Đồ nội thất gỗ công nghiệp

Xu hướng chọn đồ nội thất bằng gỗ công nghiệp thân thiện môi trường đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất đồ nội thất bằng gỗ CN không những mang lại những sản phẩm đẹp, giá rẻ mà còn góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên rừng, BVMT.

Trước đây, khi mua sắm đồ nội thất, con người thường ưu tiên sử dụng đồ gỗ tự nhiên, bởi các sản phẩm này sẵn có và chắc chắn. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều gỗ tự nhiên trong cuộc sống đã khiến nạn chặt phá rừng xảy ra ngày càng nghiêm trọng, hủy hoại môi trường thiên nhiên, gây nên tình trạng biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm 130.000 km² rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Điều này khiến cho môi trường sống của 2/3 loài trên Trái đất bị thu hẹp, nguồn đa dạng sinh học bị suy giảm, tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lụt… diễn ra thường xuyên. Cũng theo thống kê mới đây của Ngân hàng thế giới (WB), có khoảng 30% diện tích rừng được sử dụng để sản xuất gỗ và các sản phẩm phi gỗ, thương mại lâm sản. Do đó, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất đồ nội thất bằng gỗ CN.

Gỗ CN là vật liệu được sử dụng phổ biến trong trang trí nội thất, đặc biệt là giới trẻ tại các TP lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… Các công trình sử dụng gỗ CN đa dạng, từ nhà dân, biệt thự, đến khách sạn, resort, nhà hàng… Gỗ CN gồm 2 nhóm chính: MDF và MFC. Gỗ CN MFC được làm từ các nguyên liệu cành, nhánh hoặc thân cây gỗ của rừng trồng (keo, bạch đàn, cao su) được khai thác, đưa về nhà máy với dây chuyền sản xuất chế biến hiện đại. Sau đó, băm nhỏ cây gỗ này thành các dăm gỗ, kết hợp với keo, ép thành tấm ván có dạng một màu trơn, giả vân gỗ, được phủ lên một lớp Melamine bảo vệ. Đối với gỗ CN MDF, các cây gỗ được đưa vào máy nghiền nát ra như bột rồi gia công, ép lại thành tấm kích thước tiêu chuẩn 1,2 m x 2,4 m với độ dày khác nhau từ 2,5 – 25 mm.

Xem thêm: Mẫu kệ tivi đẹp

Gỗ CN MDF và MFC chất lượng hàng đầu thế giới được sản xuất từ Mỹ, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Malaixia…, với các ưu điểm vượt trội như: Khả năng chống mối mọt cao, chất lượng gỗ ổn định, khắc phục được nhược điểm nặng, dễ cong, vênh của gỗ tự nhiên, nên có thể dùng thay thế gỗ tự nhiên mà không làm mất tính thẩm mỹ. Mặt khác, trong những năm qua, qua nhiều lần nghiên cứu và cải tiến công nghệ, gỗ CN đã khắc phục được các nhược điểm như không chứa những chất độc hại, thân thiện môi trường, không biến dạng khi gặp nước, khó bắt lửa, không nứt tách. Ở Việt Nam, đồ gỗ nội thất CN bắt đầu du nhập từ năm 2005. Đến nay, nước ta có 4 nhà máy sản xuất gỗ CN, với nhiều nhãn hiệu khác nhau, nổi bật nhất là những nhãn hiệu như Pago, Newsky, Jawa, hay một số nhãn hiệu chuyển đổi từ sản phẩm nhập ngoại như Morser, Wilson, Galamax, Glomax… những sản phẩm này đã có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài mẫu mã ngày càng đa dạng, chất lượng ngày một nâng cao, gỗ CN sản xuất ở trong nước còn có lợi thế cạnh tranh khi tiết kiệm được chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà lớn nhất là từ đồ nội thất, đặc biệt là nội thất làm từ gỗ CN kém chất lượng. Hiện Việt Nam có gần 7.000 doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản xuất đồ nội thất gỗ, trong đó có gần 3.000 doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu. Trên thị trường hiện có hơn 80% sản phẩm nội thất trên thị trường được làm từ gỗ CN và phần lớn được sản xuất bởi các xưởng gỗ gia công, hộ sản xuất tại các làng nghề, do đó khó kiểm soát chất formaldehyde (là chất cực độc có trong keo gắn gỗ dùng trong chế biến gỗ CN) trong sản phẩm nội thất…  Formaldehyde có thể tồn dư trong các sản phẩm gỗ CN và phát tán ra không khí trong quá trình sử dụng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây các bệnh về da, bạch cầu và ung thư… Vì vậy, cần phải kiểm soát chất lượng đồ gỗ CN theo quy định của quy chuẩn Việt Nam QCVN 06 : 2009/BTNMT về một số chất độc hại trong không khí xung quanh, với nồng độ formaldehyde tối đa cho phép tồn tại trong không khí xung quanh trong vòng 1 giờ là 20 microgam trong 1m3.

Nhìn chung, việc phát triển đồ nội thất CN còn gặp nhiều khó khăn về quy mô và chất lượng bởi nguồn nguyên liệu, kinh phí, máy móc công nghệ khoa học cũng như sự tiếp cận của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong tương lai gần thì gỗ CN đang dần phát triển theo xu hướng chung của thế giới và sẽ cho ra đời nhiều chủng loại sản phẩm đa dạng theo kịp sự phát triển chung của ngành vật liệu xanh.  Các nhà thiết kế nội thất có thể phát huy tính sáng tạo trong trang trí nội thất nói chung và các sản phẩm nội thất hiện đại nói riêng theo nhiều hướng khác nhau, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng cũng như bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày một cạn kiệt, góp phần xây dựng một môi trường xanh, không gian xanh cho con người.